1. Nợ công là gì? Bản chất pháp lý của nợ công?
Nợ công vượt quá cao so với mức an toàn ở những nền kinh tế phát triển, đang trở thành chủ đề nóng hiện nay bởi đó là yếu tố có nguy cơ đe dọa những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, làm người ta lo ngại tới viễn cảnh nền kinh tế một lần nữa lại rơi vào tình trạng suy giảm. Vậy nợ công là gì, hậu quả của nó ra sao, và cần nhìn nhận xem xét vấn đề này như thế nào?
1.1 Nợ công là gì?
Một cách khái quát nhất, có thể hiểu nợ chính phủ, nợ công hoặc nợ quốc gia là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, vì thế, nợ chính phủ, nói cách khác, là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nợ chính phủ thường được phân thành: Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước). Việc đi vay của chính phủ có thể được thực hiện thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủ vì có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. So với trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ, trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán, thêm vào đó còn có thể xảy ra rủi ro về tỷ giá hối đoái.
Ngoài việc vay bằng cách phát hành trái phiếu nói trên, chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế tài chính quốc tế, chẳng hạn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Hình thức vay này thường được chính phủ của các nước có độ tín cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.
1.2 Thấy gì từ cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay?
Khi nợ công tăng cao, vượt quá xa giới hạn được coi là an toàn, nền kinh tế rất dễ bị tổn thương và chịu nhiều sức ép cả bên trong và bên ngoài. Xung quanh diễn biến về cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay với tâm chấn là Hy Lạp và hiện đang có nguy cơ lan tỏa sang nhiều nền kinh tế khác, có thể rút ra một số điều:
Thứ nhất, nợ công không chỉ là vấn đề của những nước chậm hoặc đang phát triển. So khoản nợ công với GDP, hiện nay, gánh trên vai gánh nặng nợ công lớn nhất là các nền kinh tế phát triển, trong đó, khu vực đồng ơ-rô đang đứng trước những thử thách to lớn khi Hy Lạp phải viện đến gói cứu trợ của EU và IMF để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Trong báo cáo được công bố ngày 9-6 “Hậu quả do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra trên phương diện thuế khóa”, các chuyên gia của IMF khẳng định rằng, vào đầu năm 2010 tổng nợ công của 10 nước giàu nhất thế giới sẽ đạt mức 106% GDP (tương đương mỗi người dân nợ 50 nghìn USD). Vào đầu năm 2007 con số này là 78%. Như vậy, trong vòng 3 năm, nợ công của “10 nước giàu nhất” đã tăng hơn 9 nghìn tỉ USD.
Các chuyên gia của IMF cho rằng, theo kịch bản tương đối lạc quan, trong năm 2014, nợ của “10 nước giàu nhất” sẽ lên trên mức 114% GDP, còn theo kịch bản bi quan, con số này là 150% GDP.
Ở những nền kinh tế đầu tàu khác của thế giới, nợ công cũng đang trong tình trạng báo động. Ngày 19-5, IMF và sau đó, ngày 26-5, OECD đã lần lượt cảnh báo, với mức nợ công hiện nay lên tới 190% GDP và chưa có dấu hiệu dừng lại, Nhật Bản có mức nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển. Cảnh báo này làm mọi người lo ngại rằng, Nhật Bản có thể sẽ “trở thành một Hy Lạp thứ hai”. Ngày 2-6-2010 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của Hoa Kỳ tính đến đầu tháng sáu năm nay đã vượt quá kỷ lục 13 ngàn tỉ USD. Khoản công nợ này đã tăng khoảng 1.600 tỉ USD so với năm ngoái, tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua và chiếm tới 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ.
Thứ hai, khi nợ công quá lớn, việc thắt chặt chi tiêu, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để giảm thâm hụt ngân sách là điều kiện phải đáp ứng để được nhận sự hỗ trợ cần thiết từ các tổ chức tín dụng quốc tế, thế nhưng, “thắt lưng buộc bụng” lại dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng, gây căng thẳng, bất ổn chính trị, xã hội, bởi những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội là những người bị tác động mạnh nhất từ chính sách cắt giảm phúc lợi, cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Chẳng hạn, để được nhận gói cứu trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nợ, Chính phủ Hy Lạp đã phải quyết định tăng nhiều loại thuế, từ thuế giá trị gia tăng đến thuế thu nhập, thuế bất động sản; và đánh thuế vào nhiều sản phẩm như rượu, thuốc lá…, đồng thời chấp nhận áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay. Để phản đối chính sách này của chính phủ, các cuộc tổng đình công đã diễn ra, hàng chục ngàn người đã tham gia biểu tình trên khắp đất nước Hy Lạp, nhất là tại thủ đô A-ten.
Trong một phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét hồi đầu tháng 5-2010, Tổng thống Ác-hen-ti-na đã nói, ngày nay, chúng ta đang phải chứng kiến những hình ảnh đau buồn tại Hy Lạp. Tình trạng rối loạn đang xảy ra ở nước này gợi chúng ta nhớ về những gì mà Ác-hen-ti-na đã phải trải qua hồi năm 2001. Những công thức tương tự từ các tổ chức tín dụng đa phương yêu cầu cải cách, trong đó có việc cắt giảm mạnh tay chi tiêu ngân sách, là nguyên nhân then chốt gây ra rối loạn. Các tổ chức tín dụng đa phương này không hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới nói chung và trong xã hội Ác-hen-ti-na hay Hy Lạp nói riêng.
Cách đây 9 năm, năm 2001, Ác-hen-ti-na đã phải đối mặt với tình trạng rối loạn nghiêm trọng do các làn sóng biểu tình khắp nơi phản ứng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, để rồi Tổng thống Ác-hen-ti-na khi đó là ông Féc-nan-đô đơ la Rua đã phải từ chức, và 4 ngày sau đó, người kế nhiệm là A-đôn-phơ Rô-ri-get Saa phải tuyên bố tình trạng vỡ nợ quốc gia, với khoản nợ 90 tỉ USD – mức nợ lớn nhất trong lịch sử đất nước này.
Thứ ba, trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu mới thoát khỏi khủng hoảng, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi do kết quả của các gói kích thích kinh tế mà chính phủ các nước đã chi ra trong những năm trước đây, thì việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào “khủng hoảng kép”. Nghiêm trọng hơn, việc tung ra các gói kích thích kinh tế chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ công của các chính phủ, vậy nếu như khủng hoảng “tái xuất” thì liệu các chính phủ có còn đủ khả năng xoay xở, cứu vãn nền kinh tế của mình? Vấn đề đặt ra cho các chính phủ là phải chèo lái để giải quyết được thâm hụt ngân sách nhưng không đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng suy thoái, trong khi các biện pháp để giải quyết hai vấn đề này lại có tác động không thuận chiều.
Thứ tư, khi nợ công liên tục tăng cao, nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm theo báo cáo của các tổ chức chuyên đi đánh giá tín nhiệm các công ty và quốc gia khác, niềm tin của người dân và giới đầu tư bị lung lay, khi đó nền kinh tế dễ trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực đầu cơ quốc tế. Thí dụ, đối với Hy Lạp, khi tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của A-ten, các quỹ đầu tư lớn lập tức bán ra loại trái phiếu này, đồng thời từ chối mua vào trong các đợt phát hành tiếp theo. Nếu chính phủ muốn huy động tiền từ thị trường tài chính sẽ phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn và sau đó, rơi vào vòng xoáy: tiếp tục bị tụt bậc tín nhiệm. Việc đưa ra xếp hạng tín nhiệm trong thời điểm nhạy cảm, dễ tổn thương của nền kinh tế có nguy cơ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng, có tác dụng như một “cú huých”, đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào khó khăn, bế tắc.
Thứ năm, việc căn cứ vào mức nợ công trên GDP để xác định tình trạng nợ công là hết sức quan trọng, tuy nhiên, điều quan trọng không kém là phân tích “thực chất” nợ công. Đó là: nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài; tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hay tình trạng “sức khỏe” nói chung của nền kinh tế; lượng dự trữ quốc gia… Chẳng hạn, hiện nay, dư luận đang lo ngại liệu Nhật Bản có thể trở thành “một Hy Lạp thứ hai”, thế nhưng, một số nhà phân tích, khi phân tích nợ công của Nhật Bản đã cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa nợ công của nước này với nợ công của Hy Lạp, thể hiện ở chỗ, 95% trái phiếu chính phủ của Nhật Bản do người dân nước này nắm giữ, trong khi 70% nợ chính phủ Hy Lạp do người nước ngoài nắm giữ. Bên cạnh đó, Nhật còn tự chủ về tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ của Nhật cũng ở mức rất cao (theo con số mà Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 12-5, tính đến cuối tháng 4-2010, dự trữ quốc gia của Nhật là 1.046,873 tỉ USD). Do vậy, nền kinh tế Nhật Bản, mặc dù ngoài nợ công cao còn đứng trước nhiều khó khăn khác nữa, nhưng vẫn được dự báo là khó có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ quốc tế.
Như vậy, việc đánh giá đúng nợ công và “thực chất” nợ công của một nền kinh tế, một quốc gia là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm. Bởi lẽ, nếu chỉ chú trọng vào con số tỷ lệ nợ công cao một cách thuần túy sẽ gây nên hiệu ứng tâm lý hoang mang, kích động, thiếu tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng xã hội, bị giới đầu cơ lợi dụng tấn công, dễ gây rối loạn nền kinh tế, thậm chí dẫn nền kinh tế đến bên bờ vực phá sản. Ngược lại, nếu yên tâm với tỷ lệ nợ công còn trong giới hạn an toàn, mà không phân tích cẩn trọng, chú ý đúng mức đến khoản nợ đó được hình thành như thế nào, bằng cách nào, thực trạng nền kinh tế ra sao và khả năng trả nợ thế nào…, cũng sẽ dễ đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách – “thắt lưng buộc bụng” – tác động tiêu cực đến tăng trưởng…/.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162.
2. Câu hỏi thường gặp về nợ công
2.1 Cách tính nợ công ở Việt Nam hiện nay?
Do quy mô của nền kinh tế ở các nước có sự khác nhau nên gánh nặng của nợ công quốc gia thường được tính dựa trên phần trăm (%) trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Số liệu của nợ công thường được diễn đạt theo rất nhiều cách khác nhau. Nó có thể phân chia thành nợ của Chính phủ hoặc là nợ chung của Chính phủ và các cấp chính quyền.
Nợ công có thể được phân chia dưới dạng những chủ nợ trong ngoài nước, cụ thể là nợ công từ những nhà đầu tư trong nước hoặc là nợ công từ những nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, nợ công có thể được xác định theo dạng tổng nợ của Chính phủ, tức là tổng nợ tài chính của Chính phủ, hoặc nợ ròng Chính phủ, tức là tổng nợ tài chính trừ đi phần tổng tài sản tài chính do Chính phủ nắm giữ.
2.2 Khủng hoảng nợ công là gì?
Khủng hoảng nợ công là các vấn đề về tài chính và kinh tế xảy ra do các quốc gia mất khả năng trả các khoản nợ của Chính phủ hoặc các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh.
2.3 Lợi ích của nợ công là gì?
Với các quốc gia đang phát triển, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc được vay khoản tiền để duy trì và phát triển kinh tế là điều rất vui mừng. Trường hợp chính phủ của 1 quốc gia nào đó chấp nhận vay tiền tức là đã xác định rõ ràng những lợi ích của khoản vay đó đối với sự phát triển của đất nước.
– Nợ công có tác dụng làm gia tăng nguồn lực cho nhà nước. Nợ công giúp quốc gia đó có điều kiện tăng cường nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước.
Trươngf hợp khác, quốc gia đi vay nợ công có được chính sách huy động nợ công một cách hợp lý thì nhu cầu về vốn sẽ từng bước được giải quyết để đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
– Việc quốc gia tiến hành huy động nợ công sẽ góp phần tận dụng được nguồn tài chính nhà rỗi trong dân cư. Hiện tiền trong dân còn rất nhiều, khi nhà nước muốn sử dụng nguồn tiền đó để xây dựng phát triển đất nước sẽ được sự ủng hộ và đồng ý của đại bộ phận người dân thông qua việc cho nhà nước vay vốn từ cá nhân đó.
– Ngoài 2 yếu tố trên, nợ công sẽ tận dụng được sự hỗ trợ từ nước ngoài và tổ chức tài chính quốc tế. Tài trợ quốc tế là một trong những hoạt động kinh tế, ngoại giao quan trọng của các nước phát triển muốn gây ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo, cũng như muốn hợp tác kinh tế song phương.