Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Đ. 188-Đ.234), các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại (Đ. 188-Đ.199), Phân tích tội phạm

Mục lục bài viết

1. Giải thích từ ngữ

Lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi sử dụng các phương pháp hoặc thông tin không chính xác, gian lận hoặc gây hiểu nhầm nhằm mục đích khiến khách hàng đưa ra quyết định mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ dựa trên thông tin không đúng sự thật hoặc không đầy đủ.

2. Tội danh

“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Tội lừa dối khách hàng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, uy tín của các doanh nghiệp.

Đối tượng tác động của tội lừa dối khách hàng là hoạt động đúng đắn bình thường của các cá nhân kinh doanh hoặc các doanh nghiệp.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của hành vi lừa dối khách hàng liên quan đến các yếu tố sau:

– Đưa ra thông tin không chính xác về sản phẩm hoặc dịch vụĐây là hành vi cung cấp các dữ liệu hoặc tuyên bố không đúng sự thật về đặc tính, công dụng, hoặc hiệu quả của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ví dụ: Một công ty quảng cáo một loại thực phẩm chức năng với tuyên bố rằng sản phẩm có thể giảm cân nhanh chóng và hiệu quả trong vòng một tuần mà không có chứng minh khoa học hoặc bằng chứng thực nghiệm nào. Khi khách hàng mua sản phẩm và không thấy kết quả như quảng cáo, họ cảm thấy bị lừa dối.

– Che giấu thông tin quan trọnghay hiểu đơn giản là thiếu thông tin cần thiết để khách hàng đưa ra quyết định: Đây là hành vi không cung cấp hoặc om đi các chi tiết quan trọng về sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng cần biết để đánh giá đúng mức giá trị và rủi ro.

Ví dụ: Một nhà cung cấp dịch vụ internet quảng cáo gói cước “không giới hạn” nhưng không đề cập rõ ràng rằng có các hạn chế về tốc độ hoặc khối lượng dữ liệu sau một mức sử dụng nhất định. Khách hàng mua gói cước và phát hiện ra rằng tốc độ kết nối bị giảm sau khi đạt đến mức sử dụng cụ thể, dẫn đến sự bất mãn.

– Áp dụng các chiến lược marketing gây hiểu nhầm:Sử dụng các từ ngữ hoặc cụm từ không rõ ràng để gây ấn tượng sai lệch về sản phẩm hoặc dịch vụ.

– Thực hiện các hành vi gian lận giá cả: Tăng giá sản phẩm hoặc dịch vụ một cách bất hợp lý hoặc không minh bạch, làm cho khách hàng phải trả nhiều hơn mức giá thực tế.

Ví dụ: Một cửa hàng quảng cáo giảm giá 50% trên một số sản phẩm nhưng thực chất giá gốc của các sản phẩm đã được nâng lên trước khi áp dụng giảm giá. Khách hàng mua sản phẩm với giá đã tăng trước đó mà không nhận ra giá trị thực tế của khuyến mãi.

Tội phạm được coi là hoàn thành nếu gây hậu quả thiệt hại cho khách hàng từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Hậu quả của tội lừa dối khách hàng là những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, đến uy tín của các cá nhân kinh doanh hoặc các doanh nghiệp. Những biểu hiện cụ thể hậu quả của tội phạm rất đa dạng, Nó có thể là làm cho khách hàng thiệt hại về những lợi ích vật chất, tiền bạc,…

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

– Lỗi: Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi lừa dối khách hàng, thấy trước được hậu quả của hành vi của mình gây ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

– Mục đích: thu lợi bất chính từ hoạt động lừa dối khách hàng. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội dùng những thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi nhằm tránh sự phát hiện của khách hàng.

3.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên theo Điều 12 Bộ luật Hình sự và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Đó có thể là người có những quyền hạn nhất định như nhân viên bán hàng, các kỹ thuật viên làm dịch vụ sửa chữa hoặc người bán hàng, kinh doanh tự do.

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Tìm kiếm