Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Đ 188-Đ234, các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại (Đ188-199). Phân tích tội phạm

Mục lục bài viết

1. Giải thích từ ngữ

Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được hiểu là hành vi làm giả, tái tạo hoặc tạo ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm giả mạo (về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, thành phần, nhãn hiệu,…) hoặc hành vi mua bán, trao đổi các sản phẩm này với mục đích trục lợi.

2. Tội danh

“Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Cụ thể, khách thể của tội phạm là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là làm ra sản phẩm, hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Cục sáng chế) hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia với nhiều hình thức khác nhau như: Chế tạo, chế biến, nhân giống, sao chép, sáng tác, dịch thuật… Nói chung, hàng giả được sản xuất ra chủ yếu bằng phương pháp công nghiệp theo một quy trình từ nguyên liệu đến sản phẩm.

Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là mua, xin, tàng trữ, vận chuyển hàng giả nhằm bán lại cho người khác; dùng hàng giả để trao đổi, thanh toán; dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán,… lấy hàng giả để bán lại cho người khác.

Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm, phụ gia giả là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội  như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội  và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội … hậu qủa trực tiếp của hành vi phạm tội là xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hoá bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả. Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia xảy ra.

Sản xuất ở đây được hiểu là việc tạo ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm giả mạo. Hành vi này bao gồm việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến gắn nhãn mác cho sản phẩm.

Hàng giả trong trường hợp này có thể là:

– Giả về chất lượng: Sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với những gì đã được công bố hoặc so với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng vẫn được dán nhãn mác giống hàng thật.

Ví dụ: Sản xuất một loại gạo giả bằng cách trộn gạo kém chất lượng với gạo thật, sau đó đóng gói và dán nhãn giống như một thương hiệu gạo cao cấp.

– Giả về nguồn gốc, xuất xứ: Sản phẩm được sản xuất tại một nơi khác nhưng gắn nhãn mác của một địa phương nổi tiếng để lừa người tiêu dùng.

Ví dụ: Đóng gói các sản phẩm mì gói từ một nhà máy không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng lại gắn nhãn mác của một thương hiệu uy tín.

Buôn bán ở đây là hành vi trao đổi, mua bán, lưu thông các sản phẩm lương thực, thực phẩm, phụ gia thực thẩm biết rõ là hàng giả hoặc có dấu hiệu đáng ngờ mà không thực hiện kiểm tra chất lượng.

Hành vi này có thể xảy ra trong nhiều hình thức khác nhau:

– Bán lẻ: Bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các cửa hàng, siêu thị, hoặc các kênh bán lẻ khác.

Ví dụ: Một cửa hàng tạp hóa nhập các loại sữa bột giả từ nguồn không rõ ràng và bán cho khách hàng mà không kiểm tra nguồn gốc, chất lượng.

– Phân phối sỉ: Phân phối hàng giả cho các đại lý, nhà phân phối nhỏ hơn hoặc các chuỗi cửa hàng.

Ví dụ: Một công ty phân phối lương thực nhập khẩu hàng giả từ nước ngoài và phân phối rộng rãi trong thị trường nội địa.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả lương thực, thực phẩm có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như gây ngộ độc thực phẩm, suy dinh dưỡng hoặc thậm chí tử vong cho người tiêu dùng. Ngoài ra nó còn làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào thị trường và gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thật.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi sản xuất hàng giả hoặc biết rõ là hàng giả nhưng vẫn buôn bán; thấy trước được hậu quả của của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ, mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định mục đích của người phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Nhìn chung, người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là vì lợi nhuận.

3.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm có thể là cá nhân hoặc là pháp nhân thương mại.

Trong trường hợp chủ thể là cá nhân:

Người thực hiện hành vi phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình. 

Trong trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại:

Căn cứ vào Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì điều kiện chịu trách nhiệm về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm của pháp nhân thương mại được quy định như sau:

– Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.

– Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.

– Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Tìm kiếm