Hiện nay, việc đấu giá tài sản không còn là điều quá xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về hoạt động đấu giá tài sản.
Đấu giá là gì? Các hình thức đấu giá
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản mà trong đó có từ 02 người trở lên tham gia đấu giá tài sản theo các nguyên tắc, trình tự và thủ tục đấu giá tài sản được quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
(Định nghĩa nêu tại khoản 2 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14).
Đối với các hình thức và phương thức đấu giá, Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định có 04 hình thức đấu giá và 02 phương thức đấu giá bao gồm:
- Hình thức đấu giá:
- Đấu giá trực tiếp bằng lời tại buổi đấu giá;
- Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại buổi đấu giá;
- Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
- Đấu giá trực tuyến.
– Phương thức đấu giá:
- Đấu giá trả giá lên;
- Đấu giá đặt giá xuống.
Tài sản nào phải bán đấu giá?
Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản quy định các tài sản phải bán đấu giá gồm:
– Tài sản nhà nước;
– Tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân;
– Quyền sử dụng đất;
– Tài sản bảo đảm;
– Tài sản thi hành án;
– Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Hàng dự trữ quốc gia;
– Tài sản cố định của doanh nghiệp;
– Tài sản của những doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;
– Hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ;
– Quyền khai thác khoáng sản;
– Quyền sử dụng, sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng;
– Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện;
– Nợ xấu và tài sản bảo đảm của tổ chức có 100% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu được Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng;
– Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán đấu giá.
Ngoài ra các cá nhân, tổ chức có thể tự nguyện lựa chọn bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của mình.